11/9/2014 22:24
Congly.vn - “Tôi ngưỡng mộ sâu sắc đối với dân tộc Việt Nam anh hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầy quả cảm”, đó là cảm xúc của ông Stefan Harabin, Chánh án TANDTC, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Slovakia khi thăm địa đạo Củ Chi.
Các thành viên trong Đoàn đã có một ngày trải nghiệm đầy thú vị với hệ thống hầm ngầm và bày tỏ sự ngưỡng mộ về sự thông minh, tinh thần chiến đấu quả cảm của người Việt Nam…
Ông Stefan Harabin cùng các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Tòa án tối cao Slovakia đến chính thức thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 2-8/6/2014 theo lời mời của Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình. Tại TP. Hồ Chí Minh, sau các buổi tiếp xúc, làm việc với Cơ quan thường trực phía Nam TANDTC và Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh, ông Stefan Harabin cùng các thành viên trong đoàn đi thăm hai địa danh nổi tiếng là Dinh Thống nhất và địa đạo Củ Chi. Vinh dự được đi cùng đoàn, tôi cảm nhận được sự hồi hộp xen lẫn háo hức của các thành viên trên chuyến xe về địa đạo Củ Chi. Họ chỉ mới biết đến địa danh này qua sách báo, giờ sắp được đến tận nơi, được mắt thấy, tai nghe để cảm nhận trọn vẹn hết sự thú vị, độc đáo của vùng địa đạo nổi tiếng thế giới này.
Khi vừa đặt chân vào cổng khu địa đạo Củ Chi, Chánh án Stefan Harabin cùng phu nhân và các thành viên trong đoàn bày tỏ mong muốn được vào thăm đền Bến Dược, nơi ghi danh sách các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống, hy sinh vì đất nước. Đoàn đại biểu Tòa án tối cao Slovakia đã kính cẩn dâng hương tưởng niệm 44.752 anh hùng liệt sỹ được tạc tên tại gian chính điện đền thờ. Ông Phạm Văn Tiễn, Phó Chánh Văn phòng TANDTC tặng các thành viên trong đoàn những kỷ vật nho nhỏ như chiếc khăn rằn, mũ tai bèo… để mọi người có một ngày “nhập vai” cùng làm “du kích”, khám phá hệ thống địa đạo. Phu nhân Chánh án Stefan Harabin rất thích thú và quàng chiếc khăn rằn làm duyên…
“Nằm sâu trong lòng đất Củ Chi, hệ thống địa đạo có chiều dài khoảng 250km chạy ngoằn ngoèo được che phủ một màu xanh của lá rừng. Từ một đường hầm xương sống tỏa ra vô số nhánh dài ngắn, ăn thông với nhau, có nhánh trổ ra sông Sài Gòn, để khi bị tình thế nguy kịch, có thể vượt qua sông sang vùng an toàn. Ðường hầm có cấu trúc từ 2 đến 3 tầng (sâu nhất là 12m), dọc đường hầm có lỗ thông hơi, bên trên được nguỵ trang kín đáo. Liên hoàn với các địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi sau khi chiến đấu”. Các thành viên trong đoàn chăm chú lắng nghe lời giới thiệu của hướng dẫn viên, họ liên tục đặt những câu hỏi vì sao: Vì sao người Mỹ với vũ khí hiện đại không thể “khoan thủng” được đường hầm? Vì sao lực lượng du kích có thể sống và chiến đấu giữa muôn vàn khó khăn?
Chánh án Stefan Harabin cùng các thành viên trong đoàn chụp hình lưu niệm
Các thành viên trong đoàn TATC Slovakia khám phá địa đạo
Các thành viên trong đoàn đã hào hứng khám phá nhiều đoạn đường hầm ngóc ngách của địa đạo Củ Chi. Tuy địa đạo khá hẹp, việc xoay xở dưới các đường hầm khá vất cả nhưng ai cũng đầy hứng thú. Tận mắt chứng kiến và khám phá, các thành viên trong đoàn cảm nhận được ý chí chiến đấu của lực lượng du kích Củ Chi hết sức mạnh mẽ. Sống dưới lòng đất sâu 12m với những điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, dụng cụ đào hầm rất thô sơ nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn tạo ra được hệ thống địa đạo có đến ba tầng với vô số các nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Người hướng dẫn viên nguyên là một cựu chiến binh giải thích: Tầng thứ nhất của địa đạo cách mặt đất 3m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng hai cách mặt đất 5m, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Còn tầng cuối cùng cách mặt đất 8-12m hết sức an toàn. Với cấu trúc và cách ngụy trang khéo léo, địa đạo đã trở thành nơi chở che cho cán bộ, nhân dân Củ Chi suốt 21 năm của cuộc chiến tranh. Nhiều cuộc hành quân, nhiều chiến dịch của người Mỹ đã bị đánh bại.
Chánh án Stefan Harabin và phu nhân tại hầm y tế
Ông Stefan Harabin cùng phu nhân dừng lại rất lâu tại hầm y tế, quan sát rất kỹ từng vật dụng người du kích năm xưa sử dụng, từng căn hầm dành cho thương bệnh binh, hầm chỉ huy... Trong ánh mắt có nhiều cảm xúc khi nhìn thấy các dụng cụ y tế cấp cứu thô sơ nhưng đã cứu sống nhiều thương, bệnh binh. Vợ chồng ông cũng tìm hiểu kỹ nguyên lý hoạt động của bếp Hoàng Cầm, loại bếp nấu ăn giấu khói. Một thành viên trong đoàn cảm động chia sẻ: "Khi họ quyết định chiến đấu trong điều kiện như thế tức là họ đã dâng hiến cuộc sống của bản thân. Quyết tâm của các chiến sĩ thật đáng khâm phục, ngoài sức tưởng tượng của tôi”. Ông Stefan Harabin cho biết: Thời Chiến tranh thế giới thứ 2, Slovakia (một phần lãnh thổ thuộc Tiệp Khắc cũ) từng bị Đức Quốc xã xâm lược và chiếm đóng. Lực lượng kháng chiến cũng đã chiến đấu ngoan cường chống lại phát xít Đức, nhưng về mức độ gian khổ, khốc liệt thì chiến đấu ở địa đạo Củ Chi khó khăn hơn rất nhiều.
Các thành viên trong đoàn TATC Slovakia tưởng niệm tại đền Bến Dược
Chuyến thăm địa đạo Củ Chi đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với các thành viên trong đoàn Tòa án tối cao Slovakia. Những gì họ tận mắt được nhìn thấy ở Củ Chi mang đến cho các thành viên trong đoàn từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và qua đó, họ càng khâm phục sự quyết tâm, tinh thần chịu đựng gian khổ của người dân Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến. Chánh án Stefan Harabin trân trọng viết trong cuốn sổ lưu niệm: “Phái đoàn Tòa án tối cao và Hội đồng Thẩm phán nước Cộng hòa Slovakia xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với dân tộc Việt Nam anh hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầy quả cảm”. Các thành viên trong đoàn rời địa đạo Củ Chi với rất nhiều cảm xúc. Họ đã có câu trả lời: Vì sao người Việt Nam lại có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến đấu hơn 21 năm trường kỳ gian khổ.
Lê Hoàng
Relate