SA BÀN DIỄN BIẾN ĐÁNH BẠI TRẬN CÀN CEDAR FALLS
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng quân sự khổng lồ, nặn ra một chế độ ngụy quân, ngụy quyền theo kiểu thực dân mới. Một bộ máy chiến tranh đồ sộ đã được thiết lập nhằm đánh bại cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Sài Gòn - Chợ lớn - Gia Định là trung tâm của tập đoàn quân sự Mỹ - ngụy. Năm 1965 Mỹ bắt đầu đổ quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam, tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” với âm mưu thâm độc “bình định” và “tìm diệt” nhằm triệt phá toàn bộ các lực lượng cách mạng của ta.
Du khách đang xem sa bàn diễn biến đánh bại trận càn Cedar Falls
Xem phim mô phỏng 3D
Ngoài các công trình di tích lịch sử phục vụ cho công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, khi đến địa đạo Củ Chi du khách còn được tham quan khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi để biết được lối kiến trúc nhà cửa, cuộc sống, sinh hoạt, chiến đấu của quân và dân Củ Chi trong giai đoạn từ năm 1961 – 1972. Ý tưởng xây dựng Khu tái hiện Vùng giải phóng Củ Chi được lãnh đạo thành phố chấp thuận và chỉ đạo thực hiện từ năm 1998 trên diện tích 38,5ha. Năm 2001, công trình chính thức triển khai thi công không gian 1, không gian 2 và khánh thành đưa vào hoạt động trong năm 2003, đến nay công trình đã được hoàn thiện. Khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi được chia ra các không gian:
Đường vào khu tái hiện vùng giải phóng củ chi (1961-1972)
* Không gian 1: Tái hiện lại thời điểm chiến tranh đặc biệt vào những năm 1961 – 1964, giới thiệu cuộc sống của người dân trong vùng mới giải phóng, với khí thế cùng với sự lạc quan, tin tưởng, hăng hái tham gia phong trào cách mạng của người dân Củ Chi. Đến đây, mọi người sẽ có được một cảm nhận rất thật, như được sống trong khung cảnh xưa, với những hình ảnh về cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập và sinh hoạt của người dân và các cán bộ, chiến sĩ du kích hoạt động trong vùng giải phóng Củ Chi.
Trạm thông tin trong vùng giải phóng
* Không gian 2: Tái hiện lại thời điểm chiến tranh cục bộ vào những năm 1965 – 1968, là lúc cuộc chiến tranh đánh phá ác liệt của địch vào vùng giải phóng Củ Chi. Đến đây, chúng ta sẽ thấy cảnh làng quê điêu tàn và cuộc sống đau thương của người dân trong chiến tranh. Tất cả sự sống đều bị bom đạn tàn phá, nhà cửa, chùa chiền cháy sập. Để rồi sau đó, mọi người càng ấn tượng hơn trước tinh thần quật khởi của quân dân Củ Chi trong cuộc chiến đấu giữ gìn mảnh đất quê hương với một tinh thần lạc quan vào sự thắng lợi tất yếu của cách mạng.
Mô hình cấy lúa, bắt cá tại Khu tái hiện vùng Giải phóng
* Không gian 3: Tái hiện lại vùng trắng ở Củ Chi của những năm 1969 – 1972, phản ánh cuộc chiến tranh đến đỉnh cao của sự ác liệt nhất. Nơi đây tái hiện hình ảnh của vùng đất Củ Chi trở thành khu tự do oanh kích của địch. Chúng đã ném xuống hàng trăm tấn chất độc hóa học, hàng trăm ngàn tấn bom, pháo để tàn phá vùng đất này, biến nơi đây thành một vùng đất trắng hoang tàn không nhà, không cửa, không còn sự sống trên mặt đất…chỉ có những xác xe tăng, máy bay, xe ủi. Cuộc sống và sinh hoạt của quân dân du kích Củ Chi và các đơn vị lực lượng võ trang được chuyển xuống lòng đất.
Tái hiện quang cảnh vùng trắng (1969-1972)
Đến với Khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi, chúng ta không chỉ hiểu được về một vùng đất đã chịu nhiều mất mát hy sinh trong chiến tranh, mà còn hiểu được tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc của người dân Củ Chi. Qua đây, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về trách nhiệm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Trên khắp chiến trường Miền Nam phong trào diệt Mỹ của quân và dân ta ngày càng lên cao làm cho kẻ địch lúng túng và thua đau. Sau những bất ngờ địch phát hiện ra các lực lượng chiến đấu của ta đã xuất phát từ trong lòng đất và các chiến hào, chúng quyết tâm phá hủy địa đạo, đánh bật lực lượng cách mạng ra xa, tạo vành đai an toàn bảo vệ Sài Gòn. Nhận rõ tầm quan trọng chiến lược của lá chắn vùng Tây bắc Sài Gòn. Đầu năm 1967, các chuyên gia quân sự sừng sỏ nhất của Mỹ sau khi nghiên cứu kỹ đã liều lĩnh vạch ra kế hoạch mở trận càn trên hướng Tây Bắc mang tên Cedar Falls vào vùng “Tam giác sắt”.
Đó là cuộc hành quân “Bóc vỏ trái đất” nhằm tiêu diệt cơ quan lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam và Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Gia Định và các đơn vị của ta, phá hủy vùng căn cứ và hệ thống địa đạo Củ Chi, xúc dân đi nơi khác, biến vùng này thành khu tự do hủy diệt. Cũng giống như cuộc hành quân Crimp hồi đầu năm 1966, cuộc hành quân Cedar Falls đã bị ta đánh bại hoàn toàn sau 19 ngày đêm vào vùng “Tam giác sắt”, bảo vệ an toàn Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu và phần lớn vùng căn cứ cách mạng.
Để giúp du khách có thể phần nào cảm nhận được sự ác liệt của cuộc chiến tranh, cùng sức chiến đấu kiên cường của quân và dân Củ Chi. Năm 2010, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đã đầu tư xây dựng tại Khu tái hiện vùng giải phóng sa bàn đánh bại trận càn Cedar Falls của quân đội Mỹ vào vùng “Tam giác sắt” năm 1967. Trận càn thể hiện trên sa bàn được đánh giá hiện đại nhất Việt Nam, với sự phối hợp âm thanh, ánh sáng cùng sự chuyển động cơ học của các mô hình và cách bố trí khói lửa hài hòa, tất cả đều đem lại cho du khách, nhất là các thế hệ trẻ Việt Nam những khoảnh khắc sống động như đang hòa mình vào trận chiến chống kẻ thù xâm lược.
HỒ CẢNH QUAN MÔ PHỎNG BIỂN ĐÔNG, RỪNG GỖ QUÝ BA MIỀN VÀ BA MÔ HÌNH THU NHỎ
Hồ cảnh quan mô phỏng biển đông
Thực hiện ý tưởng của đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, năm 2002 Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đã khởi công xây dựng công trình hồ cảnh quan mô phỏng Biển Đông và trồng rừng gỗ quý 3 miền theo hình dáng bản đồ Việt Nam. Đến năm 2008, bắt đầu khởi công xây dựng 3 mô hình tiêu biểu đặc trưng của 3 miền gồm:
- Chùa Một Cột: Đại diện cho miền Bắc.
- Ngọ Môn Huế: Đại diện cho miền Trung.
- Bến Nhà Rồng: Đại diện cho miền Nam.
Ba công trình trên được khánh thành đưa vào hoạt động ngày 19/12/2009. Đây là nơi để người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ở phía Nam có điều kiện đến tham quan các công trình kiến trúc tiêu biểu, di sản văn hóa thế giới của các vùng miền kết hợp với việc tham quan địa đạo để giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ Việt Nam đồng thời đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược.
CHÙA MỘT CỘT (HÀ NỘI)
Chùa Một Cột nằm trong quần thể chùa Diên Hựu (nghĩa là: Phúc lành dài lâu) trên đất Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía tây Hoàng thành Thăng Long thời Lý, nay thuộc phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Chùa Một Cột được xây dựng vào năm 1049, đời nhà Lý. Chùa chỉ có một gian nằm trên một cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu có trồng hoa sen. Theo truyền thuyết, Chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Vào năm 1049, vua Lý Thái Tông đã mơ thấy được Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại cho các quan nghe và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên nhà vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm tòa sen của Phật Quan Âm như đã thấy trong mộng. Chùa xây xong, đài sen nghìn cánh đỡ tòa Phật sắc hồng, trong đặt tượng Phật vàng lấp lánh. Các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa niệm Phật cầu phúc cho vua sống lâu, vì thế đặt tên là chùa Diên Hựu.
Chùa Một Cột (Hà Nội)
Về kiến trúc, ngôi chùa có kết cấu bằng gỗ, trong chùa đặt tượng Phật Bà Quan Âm để thờ. Chùa Một Cột bao gồm Liên Hoa Đài có hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 3m, mái cong, dựng trên cột đá hình trụ cao 4m, đường kính 1,2m (không kể phần chìm dưới đất) gồm 2 trụ đá ghép chồng lên nhau liền thành một khối. Tầng trên của cột là hệ thống những khung gỗ kiên cố làm giá đỡ cho ngôi đài ở trên. Đài Liên Hoa có mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có lưỡng long triều nguyệt. Hình dáng ngôi chùa như một đóa hoa sen vươn thẳng lên khu ao hình vuông được bao bọc bởi hàng lan can làm bằng những viên gạch sành tráng men xanh. Đi quanh ao theo lối nhỏ lát bằng gạch, ta sẽ đến một cầu thang dẫn lên Phật đài có một tấm biển bằng chữ Hán đề trước cửa : Liên Hoa Đài (Tòa Đài sen).
Chùa Một Cột đã qua nhiều đợt tu sửa. Đợt sửa chữa lớn vào năm Thiên Ứng Chính Bình 18 (1249) gần như phải làm lại toàn bộ. Năm 1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, quân Pháp đã đặt mìn phá đổ chùa. Sau ngày tiếp quản Thủ đô, Bộ Văn hóa đã cho tu sửa Chùa Một Cột theo đúng nguyên mẫu cũ để lại từ thời Nguyễn.
Chùa Một Cột gắn liền với lịch sử của thủ đô Hà Nội, và từ lâu Chùa Một Cột cũng là biểu tượng của đất Thăng Long ngàn năm văn vật. Chùa Một Cột đã được Bộ Văn Hóa xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật ngày 18/4/1962.
MÔ HÌNH CHÙA MỘT CỘT THU NHỎ
Mô hình Chùa một Cột thu nhỏ tại Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi có tỉ lệ bằng 9/10 so với ngôi chùa chính ở Hà Nội, do Viện Kiến trúc Hà Nội thiết kế, Công ty cổ phần Xây dựng công trình Văn hóa thi công.
Mô hình Chùa Một Cột (Hà Nội) tại khu Bến Dược
NGỌ MÔN (HUẾ)
Ngọ Môn là di tích kiến trúc thời Nguyễn, cổng chính phía nam của Hoàng Thành. Ngọ Môn được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng Thành. Nguyên vị trí Ngọ Môn ngày nay trước kia là Nam Khuyết Đài, xây dựng đầu thời Gia Long. Trên đài có Điện Càn Nguyên, hai bên có hai cửa là Tả Đoan Môn và Hữu Đoan Môn. Năm Minh Mạng 14 (1833), Nam Khuyết Đài bị giải thể hoàn toàn để lấy chỗ xây dựng Ngọ Môn. Trong bốn cổng của Hoàng Thành, Ngọ Môn là chiếc cổng lớn nhất. Về mặt từ nguyên, Ngọ Môn có nghĩa là chiếc cổng xoay mặt về hướng Ngọ. Hướng này theo quan niệm của địa lý phong thủy phương Đông là hướng Nam. Hướng Ngọ Môn cũng như toàn bộ Kinh thành Huế trên thực tế là hướng càn – tốn (Tây Bắc – Đông Nam) nhưng vẫn được xem là hướng Ngọ (hướng Nam), hướng mà Dịch học quy định dành cho bậc vua chúa để “Nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị” (hướng về lẽ sáng để cai trị thiên hạ).
Ngọ Môn (Huế)
Về mặt kiến trúc, Ngọ Môn gồm hai phần chính : Đài – cổng và lầu Ngũ Phụng.
* Phần đài – cổng có bình diện hình chữ U vuông góc, đáy dài 57,77m. Cạnh bên dài 27,06m. Đài xây bằng gạch đá kết hợp với các thanh dầm chịu lực bằng đồng thau. Đài cao gần 5m, diện tích chiếm đất hơn 1560m2 (kể cả phần trong lòng chữ U). Thân đài trổ 5 lối đi. Lối chính giữa là Ngọ Môn, chỉ dành cho vua đi. Hai lối bên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn, dành cho quan văn, võ theo cùng trong đoàn Ngự đạo. Hai lối đi bên ngoài cùng nằm ở hai cánh chữ U là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn, dành cho binh lính và voi ngựa theo hầu. Lối kiến trúc 5 cổng kiểu “ ba cửa thẳng, hai cửa quanh ” như vậy rất giống kiểu “minh tam ám ngũ” (nhìn rõ 3, thực ra trong lòng là 5) của Ngọ Môn ở Cố Cung Bắc Kinh.
* Lầu Ngũ Phụng đặt ở phía trên đài – cổng. Ngoài phần thân đài, lầu còn được tôn cao bởi một hệ thống nền cao 1,15m cũng chạy suốt thân đài hình chữ U. Lầu có hai tầng, kết cấu bộ khung hoàn toàn bằng gỗ lim với chẵn 100 cây cột. Mái tầng dưới nối liền nhau, chạy vòng quanh để che cho phần hồi lang. Mái tầng trên chia thành 9 bộ, với rất nhiều hình chim phụng trang trí ở phần bờ nóc, bờ quyết, khiến tòa lầu trông rất nhẹ nhàng, thanh thoát. Bộ mái chính giữa của lầu Ngũ Phụng lợp ngói ống màu vàng, tám bộ còn lại lợp ngói ống màu xanh.
“ Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Một lầu vàng, tám lầu xanh, ba cửa thẳng, hai cửa quanh ”
Kiến trúc của Ngọ Môn có dáng dấp tương tự Thiên An Môn ở Cố cung Bắc Kinh nhưng vẫn thể hiện rõ phong cách kiến trúc dân tộc. Ngọ Môn của Huế trông nhẹ nhàng, duyên dáng và xưa nay vẫn được xem là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế. Ngọ Môn cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Nơi đây ngày xưa thường diễn ra các lễ lạc quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ Ban sóc (Ban lịch mới), Truyền Lô (tuyên đọc tên Tiến sĩ tân khoa)…Ngày 30/8/1945, Ngọ Môn là nơi chứng giám lễ thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Quần thể di tích Cố đô Huế được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 11/12/1993.
MÔ HÌNH NGỌ MÔN ( HUẾ) THU NHỎ
Mô hình Ngọ Môn thu nhỏ tại Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi có tỉ lệ bằng ¼ công trình thật, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế thiết kế, Công ty cổ phần tu bổ Di tích và Thiết bị Văn hóa Trung ương – Chi nhánh miền Trung thi công.
Mô hình Ngọ Môn (Huế) tại khu Bến Dược
BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH – CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH (BẾN NHÀ RỒNG)
Bến Nhà Rồng trước 30/4/1975 là trụ sở của Tổng công ty vận tải Hoàng Đế (Messageries Impériales) – một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn. Tòa nhà được xây dựng từ giữa năm 1862 đến cuối năm 1863 mới hoàn thành, dùng làm nơi bán vé tàu và làm nơi ở cho người quản lý. Tòa nhà có đôi rồng gắn trên nóc, kiểu “ lưỡng long chầu nguyệt ” nên thường gọi là “ Nhà Rồng ”.
Bến cảng Nhà Rồng còn lưu lại cho dân tộc Việt Nam một kỷ niệm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Sau khi rời trường Dục Thanh ở Phan Thiết, thầy giáo Nguyễn Tất Thành xin vào học trường bách nghệ chuyên đào tạo công nhân tại Sài Gòn. Ngày 5/6/1911, với cái tên Văn Ba, thầy giáo Thành đã xuống tàu Admiral Latouche Trévilla từ bến cảng Nhà Rồng làm chân đầu bếp để có điều kiện sang Châu Âu và ra nước ngoài tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc.
Bào Tàng Hồ Chí Minh - Chi Nhánh TP.Hồ Chí Minh ( Bến Nhà Rồng)
Tòa nhà ngày nay vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ. Ngày 09/7/1979, UBND Thành phố quyết định giao khu vực Nhà Rồng cho Sở Văn hóa Thông tin Thành phố (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để xây dựng Khu lưu niệm Bác Hồ. Ngày 30/10/1995, UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định chính thức chuyển tên “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” thành Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, là một chi nhánh nằm trong hệ thống các Bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.
Hàng năm nơi đây thu hút hàng triệu khách trong nước và quốc tế đến tham quan và tìm hiểu về một di tích lịch sử gắn bó với thời thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
MÔ HÌNH BẾN NHÀ RỒNG THU NHỎ
Mô hình Bến Nhà Rồng thu nhỏ tại Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi có tỉ lệ bằng ¼ công trình thật, do Viện Kiến trúc Hà Nội thiết kế, công ty cổ phần tu bổ Di tích và Thiết bị Văn hóa Trung ương – Chi nhánh miền Nam thi công.
Bên trong mô hình Bến Nhà Rồng hiện đang trưng bày các hình ảnh, tư liệu nói về “Tình cảm của Bác Hồ với miền Nam và tình cảm của nhân dân miền Nam với Bác Hồ”.
Mô hình Bến Nhà Rồng tại khu Bến Dược
Relate